Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Vị cà phê khác lạ ở châu Âu

Cà phê Châu Âu có gì lạ? Cà phê không chỉ được coi là "quốc hồn quốc túy" của quốc gia vùng Đông Nam Âu Bosnia-Hercegovina mà còn là biểu trưng cho bản sắc con người nơi đây.

Trong khi các nước Tây Á, Bắc Phi và Đông Nam châu Âu đều phục vụ cà phê tương tự như của Thổ Nhĩ Kỳ (cùng một phương pháp với bột cà phê, họ chỉ thêm tên gọi của vùng sản xuất) thì Bosnia-Hercegovina là một trong số ít các quốc gia đặt tên cà phê không đơn giản vì tự tôn dân tộc và nhằm tạo một nét riêng.


Nếu muốn nếm hương vị cà phê cùng người dân bản địa thì bạn hãy gọi một tách ở Nanina Kuhinja. Đây là một nhà hàng nằm gần quảng trường Bascarsija, thủ đô Sarajevo của Bosnia. Những khách quen ở đây sẽ cho bạn biết “cà phê Bosnia không hề giống cà phê Thổ Nhĩ Kỳ”, và sự khác biệt đó nằm ở chính quá trình pha chế.

Cả hai loại cà phê đều cùng được rang lên tán nhỏ thành bột và nấu trong một chiếc ấm nhỏ có tay cầm gọi là džezva. Người Thổ Nhĩ Kỳ có cách nấu truyền thống là thêm vào ấm džezva một lượng đường tùy ý cùng nước lạnh trước khi đặt vào bếp. Còn khi pha cà phê Bosnia, nước lạnh được cho vào bếp trước, khi nước sôi thì rót một phần lưu ra ngoài. Cà phê lúc đó mới được cho vào ấm džezva và đặt lên lửa nhỏ trong vài giây để sôi trở lại đến khi nước tràn và tạo bọt. Quá trình này có thể lặp lại nhiều lần và lượng nước nóng lấy ra lúc trước được thêm vào ấm džezva.

Đối với những người sành sỏi chỉ cần vài phút là phát hiện ra điểm khác nhau khi uống. Công đoạn thêm nước nóng vào sau cùng của người Bosnia làm cho lớp bọt dày hơn và vị cà phê đậm hơn. Với những du khách lần đầu thử, khi nhìn vào cách phục vụ sẽ thấy được điểm khác giữa cà phê của Bosnia và của Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Thổ Nhĩ Kì thì ấm džezva đặt trong bếp, không mang ra bàn khách và cà phê được đựng trong một tách nhỏ. Còn ở Bosnia, cà phê được phục vụ bằng một khay kim loại có nguyên cả ấm džezva, cùng một tách gốm không, một ly nước trắng, một đĩa nhỏ đựng đường viên và một loại kẹo gọi là rahat lokum.


Khi bạn thưởng thức cà phê Bosnia thì hãy nhấp từng ngụm nhỏ trước. Dùng thìa vớt lớp bọt bên trên rồi khuấy cà phê trong ấm džezva (cà phê không có bọt thì không còn là cà phê Bosnia nữa). Nếu bạn là người thích uống ngọt thì không nên cho cả viên vào cà phê mà nên cắn một miếng nhỏ giữ trong miệng rồi hớp một ngụm cà phê. Cách uống này giúp bạn cảm nhận rõ rang hơn cả vị ngọt và đậm đà của cà phê Bosnia.

Có hai điểm thú vị khi phục vụ cà phê trong ấm džezva. Thứ nhất chính là cặn sẽ lắng lại (đây cũng là đặc điểm của cà phê Thổ Nhĩ Kỳ) ở đáy ấm chứ không phải ở tách. Điều thứ hai nằm ở lớp đồng được mạ trên ấm džezvas giữ cho cà phê nóng lâu hơn. Tách uống cà phê ở Bosnia là loại nhỏ nên lượng cà phê bạn uống ít hơn bình thường nhưng hương vị lại đậm đà hơn. Ngoài ra, người Bosnia có thói quen ngồi trò chuyện hàng giờ bên tách cà phê. Họ coi cà phê là thức uống của quốc gia, việc uống cà phê là một phong tục truyền thống đóng vai trò quan trọng trong các buổi tụ họp.

Đến Bosnia, du khách sẽ có phần ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh thanh niên nước này đang say sưa uống espresso ở các quán cà phê nằm trên những con phố cổ. Mặc dù họ thích thưởng thức cà phê của châu Âu hơn là cà phê Bosnia nhưng vẫn giữ nguyên cách uống chậm rãi và thong thả. Đặc biệt rất hiếm khi thấy họ vừa uống vừa dùng điện thoại di động. Họ chỉ đơn giản là ngồi trò chuyện và uống cà phê cùng bạn bè, tận hưởng những niềm vui nhỏ nhặt của cuộc sống.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Học tiếng Anh qua các quán cà phê Sài Gòn

Cơ hội học tiếng anh dành cho các bạn trẻ khi vào những quán này, bạn sẽ có cơ hội làm quen với nhiều người mới có cùng mục tiêu cải thiện khả năng ngoại ngữ và giao lưu cùng những vị khác nước ngoài.

Vừa thưởng thức tách cà phê nóng, vừa có cơ hội được trau dồi vốn tiếng Anh cùng người nước ngoài, đó chắc hẳn là trải nghiệm thú vị bạn muốn một lần thử tại Sài Gòn. Dưới đây là một số gợi ý.

1. Master's Cup

Đến với với Master’s Cup, bạn vừa được thưởng thức những món ngon mang phong cách ẩm thực châu Âu, vừa được trò chuyện cũng như giao lưu kết bạn với nhiều người ở các độ tuổi khác nhau. Số này bao gồm cả những tình nguyện viên đến từ các bang của Mỹ.

Quán có không gian mát mẻ, trang nhã và phòng riêng luyện nói. Nhân viên phục vụ tận tình, rất thích hợp để họp nhóm hoặc thư giãn cùng bạn bè. Master's Cup cũng thường tổ chức trò chơi, các vị khách quây quần trò chuyện về cùng một chủ đề nhằm nâng cao sự tự tin trong giao tiếp. Giá đồ ăn, thức uống tại quán dao động từ 50.000 đồng đến 165.000 đồng.


Địa chỉ: 206 Trần Văn Trà, Quận 7.

2. The Loop Restaurant – Italian & Panini

Mang phong cách ẩm thực Tây Âu, Italy, Đức, quán vẫn phục vụ các món Việt và cả đồ chay. Đặc biệt nơi đây có chương trình học nấu ăn theo chủ đề với phí tham gia khoảng 250.000 đồng một người.

Khách hàng chủ yếu là người nước ngoài nên nếu có thời gian, bạn sẽ tìm thấy buổi trò chuyện lý thú với họ. The Loop Restaurant có sức chứa lên tới 60 người và chỗ dành riêng cho trẻ em. Quán thích hợp ăn uống gia đình hoặc họp nhóm.


Địa chỉ: 49 Thảo Điền, Quận 2.

3. Sozo 

Quán tọa lạc trên tuyến đường Bùi Viện trọng điểm của thành phố, là vị trí thu hút nhiều khách du lịch. Điều này lý giải vì sao có nhiều người nước ngoài ghé vào Sozo.

Không gian quán tuy nhỏ nhưng thiết kế rất ấn tượng. Lầu trên thoáng mát, tập trung nhiều bạn trẻ gồm học sinh, sinh viên đến luyện nghe, nói tiếng Anh. Ngoài trau dồi ngoại ngữ, quán còn tạo cơ hội làm việc cho các bạn kém may mắn trong cuộc sống. Giá thành các món nơi đây tương đối rẻ, dao động khoảng 20.000 - 45.000 đồng mỗi loại.


Địa chỉ: 176 Bùi Viện, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1.

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Uống cà phê giúp sống thọ hơn

Theo nghiên cứu chính thức việc uống 3-5 tách cà phê mỗi ngày giúp con người kéo dài tuổi thọ nhờ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, chống trầm cảm. Đây quả là tinh vui cho những tín đồ cà phê.

Nếu bạn thích uống cà phê, đây chắc chắn sẽ là tin vui. Men's Health đưa tin, một công trình của Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy người có thói quen uống cà phê mỗi ngày sẽ có tuổi thọ cao.

Trong nghiên cứu, 200.000 tình nguyện viên được theo dõi suốt 28 năm. Loại bỏ nhóm hút thuốc, các nhà khoa học phát hiện người uống 3-5 tách cà phê mỗi ngày giảm 19% nguy cơ đau tim, 24% tiểu đường và ít tử vong sớm đến 15%. Trưởng nhóm tác giả là tiến sĩ Frank Hu nhận định axit chlorogenic trong cà phê có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhờ tác dụng chống oxy hóa, phòng ngừa viêm nhiễm. 

Ngoài ra, tiến sĩ Hu cho biết chất caffeine kích thích sản xuất dopamine đồng thời tăng cường dẫn truyền thần kinh giúp con người chống lại hiệu quả bệnh Parkinson và trầm cảm.

Theo tiến sĩ, hiện chưa có khuyến nghị mức cà phê nên uống dành cho tất cả mọi người. Dùng 3-5 tách được cho là lý tưởng song lợi ích của cà phê vẫn phát huy nếu bạn uống nhiều hoặc ít hơn một chút.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Mùa cà phê ở Tây Nguyên

Du khách ghé thăm Tây Nguyên vào tháng 9, 10 Âm lịch sẽ thấy không khí rộn ràng, người người nhà nhà tấp nập trên những nương cà phê và cả trong các khoảng sân phơi.

Hàng năm, khi tới tháng 9, 10 Âm lịch, khắp miền đất đỏ bazan lại rộn ràng mùa cà phê chín mọng sau một năm chăm sóc vất vả. Du khách tới Tây Nguyên hầu như lúc nào cũng thấy không khí rộn ràng, người người nhà nhà tấp nập từ nương rẫy cà phê tới những khoảng sân phơi.


Để việc thu hoạch diễn ra nhanh chóng, người nông dân thường bắt đầu ngày làm việc từ sáng sớm. Khi ấy, một tấm bạt lớn được trải dưới gốc cây để hứng quả cà phê chín tuốt từ cành. Cứ thế, tấm bạt được kéo từ gốc này sang gốc khác tới khi đầy, người thu hoạch lọc bỏ lá rụng và cành gẫy sau đó mới đem phơi.


Thời gian phơi lại tùy theo điều kiện thời tiết để kéo dài từ 6 đến 30 ngày. Khi quá trình này kết thúc, phần lớn thành phẩm được rao bán đến những nhà máy, còn lại các hộ gia đình tự rang xay. Thông thường, thời gian rang một mẻ cà phê đã lột vỏ tại nhà mất 30 phút và thực hiện thủ công thuần túy.


Một số du khách thường lầm tưởng quả cà phê phải có mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, thực tế cà phê chỉ có mùi sau khi rang chín. Do vậy, trong quá trình sơ chế, mỗi gia đình lại có những bí quyết riêng tạo độ thơm cùng hương vị đậm đà. Mỗi mùa thu hoạch đi qua, người dân Tây Nguyên thường giữ lại chút cà phê trong nhà như món quà tự thưởng bản thân sau một năm vất vả chăm bón.

Qua giai đoạn này, tới tháng Ba, hoa cà phê lại nở trắng, bồng bềnh trên từng nương rẫy. Tây Nguyên khi ấy sẽ khoác lên mình màu áo mới dịu dàng và điệu đà, bắt đầu một chu kỳ mới chờ nắng gió, người chăm sóc để kết thành chùm quả.

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Quán cà phê rợp bóng cây xanh ở Sài Gòn

Dưới tán cây xanh tươi, khách vừa thưởng thức sữa, vừa thư thả trong bầu không khí mát lành tại “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”.


Có rất nhiều quán cà phê độc đáo ở Sài Gòn, nhưng để tìm một không gian đẹp dành cho việc uống sữa và trò chuyện cùng bạn bè quả thật khá hiếm hoi. Nằm trên con đường Lê Quý Đôn, quận 3, Milk Bar không khó nhận ra với không gian mặt tiền là một ngôi nhà gỗ nhỏ, mộc mạc nằm dưới những tán cây xanh mát rượi.


Chủ nhân đã lấy cảm hứng từ bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” để thiết kế quán bar. Do vậy ngay từ cái nhìn đầu tiên, nơi đây toát lên một không gian hòa hợp với thiên nhiên xung quanh dù nằm ngay trong những dãy nhà san sát.


Cùng với hàng me xanh rì trên vỉa hè, trong sân quán bar còn có một cây lớn, trên cành treo chiếc xích đu. Nhờ đó, không gian sân vườn của quán trở nên dễ thương và bắt mắt.


Khách đến thưởng thức sữa tươi sẽ tìm được bầu không khí trong lành vì mọi nơi trong quán đều được thiết kế đơn giản, phần lớn được nhường chỗ cho ánh sáng, những tán cây, gió trời.


Bên trong, những ô cửa sổ từ mái nhà đưa ánh sáng vào bên trong, được kết hợp với những chiếc bóng đèn thả xuống.


Ngay cả trên tầng áp mái, bạn vẫn có cảm giác như ngồi ngoài trời nhờ vào những ô cửa sổ lớn và khoảng nhìn ngập tràn sắc xanh của cây lá. Quán thật sự là một địa điểm lý tưởng cho những ai không thích ngồi trong phòng máy lạnh.

Những chai sữa nguyên chất là đồ uống đặc trưng tại đây như sữa tách béo, sữa nguyên kem 1% đường, sữa không đường. Ngoài ra, bạn cũng nên gọi kèm một phần bánh ngọt chỉ có riêng tại quán, như bánh some flowers, the little house,…. Giá trung bình của các món là 30.000 – 60.000 đồng, sữa mua mang đi có giá 23.000 đồng.